Category: 001-cangquocte.com-Long An Port

6 Jan by hoangngoclonghcm

Thị trường logistics dự kiến tăng trưởng 7,25%

Thị trường logistics toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR 7,25% trong giai đoạn 2022 – 2030, theo Market Research Future

Các chuyên gia đánh giá thị trường logistics toàn cầu đang phát triển bền bỉ nhờ thương mại quốc tế tăng trưởng. Bên cạnh đó, các giải pháp tiến bộ như quản lý an ninh kho bãi, quản lý thông tin và hàng tồn kho, đóng gói, xử lý vật liệu và vận chuyển… cũng thúc đẩy quy mô thị trường này.

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, nền kinh tế thế giới tăng trưởng cùng lối sống thay đổi của người tiêu dùng sẽ làm tăng giá trị thị trường hơn nữa. Ngoài ra, trước đó, những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực logistics và các sáng kiến của khu vực công – tư cũng đã thúc đẩy giá trị thị trường.

Thị trường logistics toàn cầu được dự báo tăng trưởng 7,25% trong giai đoạn 2022 - 2030. Ảnh: Flickr

Thị trường logistics toàn cầu được dự báo tăng trưởng 7,25% trong giai đoạn 2022 – 2030. Ảnh: Flickr

Hiện nay, khu vực châu Á – Thái Bình Dương “thống lĩnh” thị trường logistics toàn cầu, chiếm thị phần đáng kể. Các yếu tố như giao dịch tại thị trường khu vực và quốc tế đang gia tăng, áp dụng dịch vụ logistics thuê ngoài ngày càng nhiều đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, quy mô tăng trưởng còn do hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao, nhu cầu logistic lớn và quá trình đô thị hóa.

Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Indonesia là những quốc gia chiếm thị phần lớn trong thị trường logistics khu vực châu Á – Thái Bình Dương do dân số ngày càng tăng và cơ sở sản xuất lớn.

Bên cạnh tiềm năng tăng trưởng, nghiên cứu thị trường mới đây của Forto và FourKites cho thấy tính bền vững vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với khách hàng. Cụ thể, 65% khách hàng chọn dịch vụ vận chuyển giảm phát thải CO2 trong quý 3 năm 2021, kết hợp các phương thức vận tải và trồng cây sử dụng năng lượng tái tạo.

CEO của FortoMichael Wax cho biết: “Chúng tôi xem đây là những chỉ số tích cực về sự thay đổi nhận thức của thị trường. Các chủ đề về tính bền vững đang được đưa lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự của khách hàng”.

Trong khi đó, 39% chuyên gia chuỗi cung ứng tham gia khảo sát của FourKites hợp tác cùng Reuters đang có kế hoạch giảm lượng khí thải carbon trong quá trình vận chuyển của mình; 31% trong khảo sát cũng hướng tới điều này trong giai đoạn sản xuất và đóng gói. Ngoài ra, khoảng 40% cho biết họ đang tăng cường cam kết về tính bền vững, 44% khác chỉ đang giữ ổn định cho hoạt động logistics.

Theo Globe Newswire

3 Jan by hoangngoclonghcm

Long An vững vàng thu hút đầu tư trong đại dịch Covid-19

Năm 2021, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tỉnh Long An vẫn thu hút được trên 3.400 triệu USD từ nguồn vốn FDI, chiếm 1/3 của cả nước.

Dẫn đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI

Cụ thể, tỉnh Long An đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư 42 dự án FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) với số vốn đăng ký 3.272,5 triệu USD; 63 dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 128,5 triệu USD. Long An trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI.

Long An vững vàng thu hút đầu tư trong đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Nhiều ghi nhớ và hợp đồng hợp tác giữa UBND tỉnh Long An và các tập đoàn tại buổi tọa đàm định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao năm 2021

Đến nay, Long An vẫn đang trên đà thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư ở một số lĩnh vực như: hợp tác phát triển các dự án sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo máy, sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến; các dự án công nghiệp xanh, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển đô thị – bất động sản gần TP.HCM; xây dựng và hoàn thiện các công trình cấp, thoát nước; logistics, dịch vụ chất lượng cao gắn với cảng quốc tế; hợp tác đào tạo lao động kỹ thuật cao, hợp tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài…

Bên cạnh đó, theo báo cáo kinh tế – xã hội của UBND tỉnh Long An, đến hết quý 3/2021, địa phương đã thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư trong nước, nhiều chỉ tiêu kinh tế – xã hội có mức tăng trưởng nhẹ.

Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế, từ cuối tháng 8.2021, UBND tỉnh Long An đã ban hành các kế hoạch về phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, liên tục có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình kiểm soát dịch và điều kiện thực tế để tạo điều kiện cho DN dần hoạt động trở lại và đảm bảo tốt các điều kiện phòng chống dịch. Đến nay, ước có khoảng 90% DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại với trên 80% lao động. Các hoạt động văn hóa, xã hội, đời sống của người dân đều đã ổn định trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Vì sao Long An được các nhà đầu tư đặc biệt chú ý?

Đánh giá về kết quả thực hiện mục tiêu kép của tỉnh Long An, giới quan sát đã dùng 2 chữ “kỳ tích”. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra những lợi thế quan trọng để Long An phát huy mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, dù dịch Covid-19 ở tỉnh rất nghiêm trọng.

Theo đó, Long An là tỉnh có vị trí rất đặc biệt, vì là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, đồng thời thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với Tây Nam bộ, tiếp giáp với TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam. Đồng thời là cửa ngõ giao thương ra quốc tế với khoảng 133 km đường biên giới với Campuchia… Song song đó, Long An còn có tiềm năng lớn về vận tải đường biển, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế với cửa Soài Rạp hiện nay đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Cảng Quốc tế Long An có thể tiếp nhận tàu 50.000 tấn, giai đoạn 2 có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn.

Toàn tỉnh có 35 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam và 62 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích quy hoạch khoảng 15.000 ha. Hiện có 22 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư có tổng diện tích 5.067,67 ha, trong đó còn khoảng 500 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê; 22 CCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,6%; diện tích đất sẵn sàng tiếp nhận đầu tư khoảng 251 ha.

Ngoài lợi thế lớn về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông phát triển, Long An có nhiều cơ hội thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… đồng thời cũng là vùng nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản.

Với những thành tựu quan trọng đó, Long An đã có sự phát triển bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những địa phương năng động, tích cực trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng ĐBSCL và của cả nước.

Theo https://thanhnien.vn/

31 Dec by hoangngoclonghcm

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 535 triệu tấn qua 9 tháng

(CLO) Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam ước đạt hơn 535,7 triệu tấn qua 9 tháng đầu năm 2021, tương ứng với mức tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam thời gian qua, hàng hóa thông qua một số cảng biển lớn khu vực phía Nam chịu tác động mạnh của dịch COVID-19.

san luong hang hoa thong qua cang bien dat hon 535 trieu tan qua 9 thang hinh 1
Dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt hơn 535,7 triệu tấn qua 9 tháng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên tổng khối lượng hàng container qua cảng biển cả nước vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số, ước đạt gần 18,6 triệu TEU qua 9 tháng đầu năm 2021, tương ứng mức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Với hàng xuất khẩu ước đạt hơn 6 triệu TEU (tăng 13%), hàng nhập khẩu ước đạt hơn 6,1 triệu TEU (tăng 18%), hàng nội địa ước đạt hơn 6,3 triệu TEU (tăng 13%).

Ghi nhận trong 8 tháng đầu năm, hầu hết khu vực cảng biển có khối lượng hàng container thông qua lớn đều có mức tăng trưởng dương như khu vực Vũng Tàu tăng 28%, khu vực Đồng Nai tăng 17%, khu vực TP Hồ Chí Minh tăng 11%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 15%.

Một số khu vực cảng biển dù thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 nhưng có lượng hàng thông qua rất lớn và giữ mức tăng trưởng như khu vực TP.Hồ Chí Minh tăng hơn 7%, khu vực Vũng Tàu tăng 5%, khu vực Hải Phòng tăng gần 11,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó vào ngày 17/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải biển và dịch vụ Logistics trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nma (VCCI) bày tỏ lo ngại về việc giá cước vận tải container tuyến quốc tế tăng cao gây bất lợi cho chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.

Khẳng định vai trò quan trọng của vận tải biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Bộ GTVT cam kết sẽ chỉ đạo, kiểm tra hàng ngày toàn bộ hoạt động của các cảng. Bất cứ nội dung dung nào vướng mắc liên quan đến vận tải, doanh nghiệp cần phản ánh đến đường dây nóng để Bộ đôn đốc xử lý ngay lập tức.

Chốt nào vướng mắc Bộ GTVT sẽ làm việc ngay với địa phương đó, tuyệt đối không để ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến hàng hóa.

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng hải xây dựng, đề xuất Bộ tham mưu chính phủ phương án quản lý giá cước, phụ thu giá vận tải tại Việt Nam.

Trên website của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam và các cảng vụ cũng đã niêm yết toàn bộ chi phí để doanh nghiệp có thể tham khảo trên đó như một sàn chi phí Logistics, đảm bảo thị trường vận tải bằng đường biển được công khai, minh bạch ở mức tối đa.

Đặc biệt Bộ GTVT đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất liên quan đến dây chuyền xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Các địa phương cũng cần xem xét lại vấn đề cấp giấy đi đường. Hoạt động tại cảng biển là đặc thù, để duy trì được phải có đủ lực lượng từ hải quan, cảng vụ, y tế, lái xe, đại lý giao nhận đến công nhân,…

Tỷ lệ cấp giấy đi đường phải đạt mức 70 – 80% để đảm bảo đủ nhân lực tham gia khai thác tại khu vực cảng chứ không thể chỉ ở mức 10 – 20% như hiện nay”, Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Theo Congluan

28 Dec by hoangngoclonghcm

Long An trên bước đường hội nhập

Tận dụng vị thế là cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19, Long An đã đưa ra nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời cải thiện môi trường thu hút đầu tư, tạo tiền đề vững chắc tiếp tục phát triển và hội nhập, đón cơ hội mới trong những năm tới.

Tỉnh Long An sở hữu điều kiện, vị trí đặc biệt chiến lược trong các mối quan hệ, giao lưu kinh tế liên vùng, liên khu vực. Cũng giống như các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện nay, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, kho lạnh.. của tỉnh Long An cũng đã được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út phát biểu tại Lễ ký kết Hợp đồng tư vấn lập quy hoạch tỉnh Long An, thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng có nguồn lao động dồi giàu ngay tại địa phương với trên một triệu lao động, phần lớn đã qua đào tạo. Nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi, Long An có thể dễ dàng thu hút lao động từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hay đội ngũ kỹ sư, chuyên gia từ Thành phố Hồ Chí Minh đến làm việc.

Phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có

Long An cũng là một địa phương mạnh về nông nghiệp. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh là hơn 2,8 triệu tấn. Ngoài lúa ra thì Long An còn có một số nông sản có thế mạnh như chuối, thanh long, bò thịt, rau sạch, chanh không hạt, tôm… Đặc biệt, trong đó có một số sản phẩm đã xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Nhật Bản (chuối), Australia (thanh long)…

Trong thời gian qua, tỉnh Long An cũng rất tích cực trong công tác cải cách hành chính, tích cực đổi mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Bằng chứng là trong vài năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Long An luôn nằm trong nhóm tốt của cả nước; riêng trong năm 2020, Long An đứng thứ ba cả nước, thuộc nhóm rất tốt.

 Cảng quốc tế Long An
Cảng quốc tế Long An, cửa ngõ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài đang được thực hiện với nhiều nhóm giải pháp như tạo quỹ đất sạch, thu hút nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp… Song song đó, Long An cùng nhà đầu tư quy hoạch các khu tái định cư, khu dân cư tập trung tạo điều kiện cho cư dân vùng dự án phát triển công nghiệp có nơi an cư, lạc nghiệp.

Với những nỗ lực trên, thời gian qua, có rất nhiều nhà đầu tư đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Long An dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng vốn đăng ký là 3,3 tỷ USD, chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta kể từ đầu năm. Những con số này đã nói lên một cách khách quan về nhận định của nhà đầu tư, của doanh nghiệp đối với những tiềm năng, lợi thế và môi trường đầu tư – kinh doanh tại tỉnh Long An.

Tàu lớn ra vào Cảng quốc tế Long An
Tàu lớn ra vào Cảng quốc tế Long An.

Với những lợi thế đó, tỉnh Long An đang là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao của khu vực, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 là 9,61%/năm. Riêng trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh vẫn ước đạt từ 4-5%. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo đúng định hướng của địa phương, trong đó công nghiệp – xây dựng chiếm 52,14/%, dịch vụ – thương mại là 32,54%, còn lại là nông nghiệp (15,32%) (số liệu năm 2020).

Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư vừa qua, dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng sau nhiều tháng chống dịch quyết liệt, đến nay, tình hình dịch bệnh ở tỉnh Long An đã cơ bản được kiểm soát. Tỉnh Long An là một trong những địa phương đầu tiên của khu vực mạnh dạn cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng như đưa đời sống người dân sớm trở lại bình thường trong hoàn cảnh mới.

Bên cạnh độ tiêm phủ vaccine rộng, sau đợt dịch vừa qua, tỉnh Long An tự tin có đủ kinh nghiệm và nguồn lực cần thiết để chuẩn bị ứng phó với những tình huống diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian tới, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Khu công nghiệp Long Hậu - huyện Cần Giuộc - tỉnh Long An
Khu công nghiệp Long Hậu – huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Năng động hội nhập quốc tế

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Long An là một địa phương rất năng động. Đến nay tỉnh Long An đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tám địa phương quốc tế, gồm hai tỉnh Svay Rieng và Prey Veng của Campuchia, tỉnh Khammouane của Lào, tỉnh Trat của Thái Lan, tỉnh Chungcheongnam-do của Hàn Quốc, tỉnh Hyogo của Nhật Bản, thành phố Sacramento của Hoa Kỳ, thành phố Leipzig của CHLB Đức.

Cho đến trước khi đại dịch Covid 19 xuất hiện thì các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa tỉnh Long An và các tỉnh bạn diễn ra rất sôi nổi, đạt được nhiều thành quả cụ thể.

Tuy nhiên trong hai năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các hoạt động giao lưu, tiếp xúc trực tiếp gặp nhiều hạn chế, chủ yếu các bên trao đổi thông tin và gặp gỡ qua hình thức trực tuyến.

Hiện nay, tầm quan trong của hoạt động hợp tác quốc tế đang nhận được sự đồng thuận rất cao từ các cấp lãnh đạo đến địa phương tại tỉnh Long An. Tỉnh đã lựa chọn và xác định hợp tác quốc tế là một trong những cách thức quan trong nhất để phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong thời gian tới đây.

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và đặc biệt là Cục Ngoại vụ thông qua các diễn đàn, các buổi đối thoại, gặp gỡ… được tổ chức thời gian qua, địa phương đã có nhiều kênh đối thoại, tiếp xúc với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Đây cũng là những hoạt động có vai trò tích cực, góp phần đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế của địa phương, “giữ lửa” cho công tác đối ngoại, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Một số định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển kinh tế-xã hội

Tập trung nâng cao hiệu quả công tác lập, quản lý và triển khai thực hiện các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, trọng tâm là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng tổ chức lại không gian phát triển một cách hợp lý, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển của các vùng đô thị, công nghiệp, nông nghiệp.

Đẩy mạnh phát triển các ngành, lĩnh vực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển các thành phần kinh tế; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị, phát triển liên kết vùng.

Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội; quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh công tác xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trận tự an toàn xã hội.

Theo Baoquocte.vn

25 Dec by hoangngoclonghcm

Năm kiến nghị khôi phục chuỗi cung ứng doanh nghiệp ngành logistics

Đại dịch Covid-19 được xem là phép thử với doanh nghiệp ngành logistics, chuyên gia đề xuất 5 kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó khăn, nắm bắt cơ hội chuyển đổi, phục hồi chuỗi cung ứng.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu”của nền kinh tế.

“Phép thử” covid-19

Thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Cũng theo Tư lệnh ngành Công Thương, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam.

“Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế nêu trên đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Sự khó khăn về nguồn nhân lực của ngành logistics sẽ càng tăng thêm khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là trong khu vực Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhắc tới tác động của dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn tới các doanh nghiệp ngành logistics, bộc lộ nhiều yếu điểm về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp.

Bên cạnh các nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, Bộ trưởng nhấn mạnh trong đó, nguyên nhân chủ quan, chủ yếu là các vấn đề về cơ sở hạ tầng chưa được nâng cấp đảm bảo tính kết nối, hầu hết các doanh nghiệp logsitics quy mô còn nhỏ, việc chuyển đổi số trong các khâu của logistics còn hạn chế từ đó làm giảm khả năng của doanh nghiệp,…

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/12.

Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệpdịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, Covid-19 là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Khảo sát của VLA cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp dịch vụ logistics bị thu hẹp sản xuất và giảm mạnh doanh thu…

Chuỗi cung ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong nước bị ngưng trệ, nhất là thời gian giãn cách xã hội do không thống nhất quy định chống dịch giữa các địa phương làm cho chi phí logistics gia tăng. Sản xuất bị gián đoạn, thiếu lao dộng hoạt động dịch vụ. Sức khỏe, tinh thần và năng suất lao động của người lao động bị tác động nặng nề, Thương mại quốc tế bất định, khó lường. Chi phí logistics, nhất là vận tải đường biển với giá cước tăng vô kiềm tỏa. Ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp. Hạn chế việc tiếp cận Vaccine của lao động làm dịch vụ logistics.

Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch thường trực VLA, khó khăn từ đại dịch cũng tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, vận tải biển gặp nhiều khiến dịch vụ logistics vận tải hàng không và đường sắt được hưởng lợi từ nguồn hàng đường biển chuyển sang hàng không và đường sắt.

“Chính điều này tạo nên sự bùng nổ về thị trường vận tải hàng không từ đầu năm 2021 đến nay, dẫn đến sự tăng trưởng hàng quốc tế tại Việt Nam tới 20% so với năm 2020 và tăng 19% so với năm 2019. Một số hãng bay như Vietnam Airlines, Vietjetair, Bamboo Airways đã chủ động chuyển máy bay chở khách sang chở hàng hóa nhằm đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xuyên biên giới bằng cách cho các công ty logistics thuê nguyên chuyến hoặc thuê kết hợp. Tổng công ty Đường săt Việt Nam đã bắt đầu khai thác các tuyến tàu liên vận, vận chuyển hàng hóa container qua Trung Quốc để đi đến Nga và một số nước EU”, ông Đào Trọng Khoa nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới. Đổi mới mô hình hoạt động với điểm sáng của hoạt động dịch vụ logistics bằng đường không.

“Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số doanh nghiệp Hội viên của Hiệp hội đã góp vốn thành lập Công ty CP Asean Cargo Gateway (ACG) cung cấp dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường không cố định hàng tuần cho các tuyến từ Việt Nam đi Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan…với giá cước ưu đãi hơn giá thị thị trường 10%-20%. Tiến tới hình thành các Hub cho hàng hóa trung chuyển đi Châu Âu. Hay việc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam VIMC liên doanh với Công ty Ấn Độ mở tuyến vận tải container thường xuyên Hải Phòng- Hồ Chí Minh kết nối Việt Nam – Malaysia và Ấn Độ, với thời gian rút ngắn 10 ngày so với tàu nứơc ngoài hiện nay”, Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Năm đề xuất khôi phục chuỗi cung ứng

Để hỗ trợ doanh nghiệp logistics vượt khó khăn, nắm bắt cơ hội chuyển đổi, phục hồi chuỗi cung ứng, phát triển bền vững ngành logistics, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam kiến nghị, thứ nhất, tăng cường gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và tiếp tục giảm thuế, chi phí cho các Doanh nghiệp logistics. Đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác…Đề nghị các Bộ ngành liên quan phối hợp cùng VLA và các Hiệp hội ngành hàng trao đổi thông tin nhằm giảm giá cước, giảm phụ phí hàng hải và chi phí logistics.

“Đề nghị các Bộ, ngành quản lý như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính có sự chỉ đạo hiệu quả trong việc thực thi các văn bản pháp luật như Nghị định 146 về khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài và hạn chế việc tăng cước vận chuyển vô kiềm tỏa như hiện nay. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Đây là vấn đề cấp bách quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp XNK trong nước”, ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng logisitcs: Hệ thống hạ tầng logistics hiện nay chưa đồng bộ và hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu dịch vụ logistics, nhất là vận tải đa phương thức. Đề nghị Chính phủ tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc gia như Quy hoạch phát triển đến năm 2030 đạt 5000km. Trước hết là tuyến Bắc Nam, các tuyến nối Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối với các cảng biển nước sâu; phát triển cảng biển đầu mối và các trung tâm địch vụ logistics ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Thứ ba, đề nghị sớm tiến hành điều chỉnh bổ sung Luật Thương mại 2005 để có các quy định mới phù hợp với tình hình hiện nay của hoạt động logistics. Cần đưa thêm các nội dung liên quan như thương mại điện tử, logistics điện tử, logistics xanh, các trung tâm dịch vụ logistics. Dịch vụ logistics phát triển đòi hỏi phải hình thành các trung tâm dịch vụ logistics, nhưng các quy định về phát triển trung tâm logistics chưa theo kịp, thông tư cũ đã hết hiệu lực nhưng Bộ Công Thương chưa có quy định quản lý mới phủ hợp.

Thứ tư, VLA đề nghị Ủy Ban 1899 cần hoạt động tích cực và có hiệu quả trong việc quản lý và phát triển dịch vụ logistics theo chức năng của Ủy Ban. Hiện nay, quản lý nhà nước về vận tải và logistics thiếu một vai trò chỉ huy liên ngành. Điều này thể hiện rõ trong thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua.

Thứ năm, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics, phát triển một số doanh nghiệp Logistics mạnh phát triển logistics tích hợp 4PL-5PL, logistics phục vụ thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics trong thị trường nội đia và trên thị trường quốc tế.

Theo https://diendandoanhnghiep.vn/

22 Dec by hoangngoclonghcm

Thành công với dự án chuyển đổi số 5 triệu USD, Đồng Tâm Group được Long An tặng bằng khen

TTO – Tại lễ công bố chính thức vận hành hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp thế hệ mới SAP S/4HANA ngày 15-12, Đồng Tâm Group đã được UBND tỉnh Long An trao tặng bằng khen với thành tích ‘đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số’.

Đồng Tâm Group đón nhận bằng khen “tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số” của UBND tỉnh Long An – Ảnh: SƠN LÂM

SAP S/4HANA được xem là một trong những giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp thế hệ mới số 1 hiện nay, giúp hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp thông minh, phát triển bền vững qua việc áp dụng công nghệ tiên tiến, quy trình kinh doanh chuẩn hóa, tinh gọn và tích hợp…

Từ tháng 4-2021, Đồng Tâm Group đã khởi động dự án với sự liên kết những tập đoàn hàng đầu thế giới SAP Vietnam (đơn vị cung cấp giải pháp), Deloitte Consulting Vietnam (đơn vị tư vấn triển khai giải pháp), AWS Vietnam (đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây) và EY Vietnam (đơn vị tư vấn tiền triển khai việc tổ chức, quy trình thực hiện, đánh giá KPIs).

Trong vòng 8 tháng, với sự đầu tư gần 5 triệu USD, Đồng Tâm Group đã chính thức cùng đưa dự án hoạt động ở cả 9 công ty thành viên, 12 phân hệ quản lý và 140 quy trình kinh doanh được thiết kế và triển khai với 8 ngành nghề kinh doanh, hợp nhất báo cáo tài chính 15 công ty thuộc tập đoàn.

Việc đồng bộ triển khai thành công trên cơ sở công nghệ hiện đại bằng hạ tầng trên điện toán đám mây sử dụng trên nhiều thiết bị, đúng quy chuẩn của kế toán Việt Nam và báo cáo tài chính quốc tế với hơn 100 chỉ tiêu quản trị được thiết lập, đo lường hiệu quả mà Đồng Tâm Group thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua được xem là một “kỳ tích” trong chuyển đổi số.

“Tại Việt Nam, hiện mới có khoảng vài trăm doanh nghiệp tầm cỡ có đủ nguồn lực để lựa chọn SAP S/4HANA làm công cụ để quản trị và điều hành. Quá trình triển khai cũng rất khó khăn, vất vả. Không ít doanh nghiệp đã không thể đi đến kết quả cuối cùng trong quá trình tích hợp và vận hành.

Do đó có thể nói, tốc độ hoàn thành dự án quy mô cũng như khối lượng công việc khá lớn chỉ trong thời gian 8 tháng của Đồng Tâm Group là sự nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ, công nhân viên” – ông Nguyễn Minh Lâm, phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, phát biểu tại buổi lễ.

Theo https://tuoitre.vn/
19 Dec by hoangngoclonghcm

Mở hướng đi mới cho phát triển hệ thống cảng biển

Với định hướng mới, xem cảng biển là trung tâm của hệ thống vận tải đa phương thức, Việt Nam sẽ tiếp tục hình thành những cụm cảng quy mô lớn và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư.

Trải dọc theo chiều dài đất nước, hệ thống cảng biển nước ta đảm nhận vai trò chính trong xuất nhập khẩu hàng hóa, là cánh cửa thông thương với thế giới. Trong đó có những cảng cửa ngõ quốc tế được đầu tư hiện đại, có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải hàng trăm nghìn tấn.

Với định hướng mới, xem cảng biển là trung tâm của hệ thống vận tải đa phương thức, Việt Nam sẽ tiếp tục hình thành những cụm cảng quy mô lớn và phát huy hiệu quả cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư.

Vận tải biển góp phần giữ vững chuỗi cung ứng

Ngay cả trong giai đoạn cao điểm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động của các cảng biển ở Hải Phòng vẫn được bảo đảm thông suốt.

Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, trong 3 quý của năm 2021, hoạt động hàng hải trong khu vực cảng biển Hải Phòng tiếp tục được duy trì với sản lượng hàng hóa thông qua đạt 69 triệu tấn, bằng 81% kế hoạch năm 2021, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Số lượt tàu Việt Nam và nước ngoài vào, rời khu vực cảng biển Hải Phòng đạt hơn 13.000 lượt.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, cảng vụ thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động hàng hải, xuất nhập khẩu để kịp thời đưa ra những giải pháp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó có việc khắc phục tình trạng thiếu hụt vỏ container tại khu vực Hải Phòng, bảo đảm cho chuỗi cung ứng được diễn ra thuận lợi, thông suốt, không bị đứt gãy.

Hiện nay, trên cả nước có 286 bến cảng biển với chiều dài cầu cảng khoảng 96km (gấp hơn 4,5 lần năm 2000). Trong đó, Hải Phòng là địa phương tập trung nhiều bến cảng nhất (50 bến cảng), tiếp đến là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (45 bến cảng), TP Hồ Chí Minh xếp vị trí thứ ba (43 bến cảng).

Tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2020 đạt hơn 690 triệu tấn (gấp khoảng 8,4 lần năm 2000). Đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam như cảng Lạch Huyện (TP Hải Phòng) có thể tiếp nhận tàu container đến 132.000DWT (tương đương chở được 132.000 tấn), cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) tiếp nhận được tàu đến 214.000DWT.

Bên cạnh đó, còn có các bến cảng chuyên dùng quy mô lớn gắn với các khu công nghiệp, liên hợp luyện kim, lọc hóa dầu, nhiệt điện than… cũng có thể tiếp nhận được tàu có trọng tải hàng trăm nghìn DWT.

Mở hướng đi mới cho phát triển hệ thống cảng biển
 Vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: TRỌNG HẢI

Định hướng phát triển 6 cụm cảng biển lớn

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch đã xác định cảng biển là bộ phận quan trọng của kết cấu hạ tầng hàng hải, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, là một trong 3 khâu đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, phát huy lợi thế là phương thức chủ đạo vận tải hàng hóa khối lượng lớn, đóng vai trò quan trọng trong vận tải hàng hóa quốc tế.

Một trong những điểm mới mang dấu ấn của quy hoạch lần này là xác định cảng biển được ưu tiên lựa chọn vị trí trong kết cấu hạ tầng giao thông. Các loại hình khác sẽ được kết nối đồng bộ, liên hoàn dựa trên những ưu thế của từng phương thức trong từng hành lang vận tải.

Các phương thức đường thủy, đường bộ và đường sắt đóng vai trò gom và giải tỏa hàng hóa cho cảng biển. Quy hoạch cũng chú trọng đến các cảng biển cửa ngõ quốc tế, cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của cả nước hoặc liên vùng, khu kinh tế, khu công nghiệp; các bến cảng khách quốc tế gắn với các vùng động lực du lịch…

Nói về định hướng trong phát triển hạ tầng cảng biển, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, việc thực hiện quy hoạch sẽ được tập trung vào 6 cụm cảng chính. Trong đó, cụm cảng số 1 sẽ nâng cấp hệ thống cảng biển Hải Phòng, đưa cảng Lạch Huyện trở thành cảng phục vụ riêng hàng container. Cảng Đình Vũ duy trì để phục vụ khu công nghiệp và phát triển cảng biển tại khu vực Nam Đồ Sơn, Văn Úc để thúc đẩy phát triển các khu/cụm công nghiệp ở phía nam tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Cụm cảng thứ hai ở tỉnh Thanh Hóa để tận dụng lợi thế của cảng hàng không Thọ Xuân, khu kinh tế Nghi Sơn cùng một số dự án giao thông đã và đang nghiên cứu triển khai, như: Đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc-Nam; cao tốc Hà Nội-Viêng Chăn (Lào)…

Thứ ba là cụm cảng Đà Nẵng, có lợi thế kết nối với khu vực Nam Lào, Bắc Campuchia. Thứ tư là cảng biển Khánh Hòa với khu vực Vân Phong có lợi thế tự nhiên thuận lợi cho cảng nước sâu, đón tàu trọng tải lớn. Đây là khu vực tiềm năng phát triển cụm cảng cửa ngõ quốc tế, thúc đẩy kinh tế-xã hội của cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Cụm cảng thứ năm là Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), đi cùng là một loạt dự án giao thông đang được nghiên cứu triển khai, như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; đường vành đai 3, vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành (Bình Phước), TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh)…

Đáng chú ý, trong quy hoạch cũng định hướng xây dựng cụm cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế về hàng hải, vận tải thủy nhưng năng lực tiếp nhận của các cảng hiện nay còn hạn chế. Việc xây dựng cảng Trần Đề giúp hàng hóa xuất khẩu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thuận lợi hơn, giảm chi phí vận tải, tăng sức cạnh tranh.

Tăng sức hút đầu tư bằng giải pháp đột phá

Trong giai đoạn 2021-2030, để phát triển hệ thống cảng biển theo quy hoạch đề ra, nhu cầu vốn đầu tư lên đến khoảng 313.000 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách, chiếm đến 95% trong tổng nhu cầu vốn. Nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm để tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. Hạ tầng cảng biển sẽ được phát triển theo hướng đồng bộ, đi thẳng vào hiện đại, tránh phân tán, nhỏ lẻ.

Với tiềm năng rộng mở, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá, việc mời gọi nhà đầu tư vào cảng biển sẽ không quá khó khăn, quan trọng là lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực.

Giai đoạn 2011-2020, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa của lĩnh vực hàng hải đã được thực hiện hiệu quả. Trong tổng số hơn 200.000 tỷ đồng vốn đầu tư vào lĩnh vực này, vốn của doanh nghiệp chiếm đến 86%. Dự báo, đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua toàn hệ thống cảng biển Việt Nam gấp 1,6-2,1 lần; năm 2050 gấp 4,1-4,8 lần hiện nay.

Đánh giá việc thu hút vốn đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng cảng biển là hoàn toàn khả thi trong thực tiễn, ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, khả năng của doanh nghiệp có thể đáp ứng được kể cả với những cảng biển quy mô lớn, vấn đề quan trọng là các chính sách để hấp dẫn được nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Tương, trước hết, cần có chính sách ưu tiên về đất đai, dành quỹ đất để thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó là chính sách về tài chính như ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu trang thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Một trong những vấn đề cũng cần chú trọng để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư đó là thủ tục triển khai dự án. Ví dụ, theo tính toán chỉ cần 3 năm để hoàn thành bến cảng nhưng vì thủ tục mất đến 10 năm sẽ khiến nhà đầu tư lỡ cơ hội, vì vậy, cần rút ngắn tối đa quy trình, thủ tục.

“Chính sách thu hút đầu tư cần sự đột phá, không nên bình bình, lĩnh vực nào cũng như nhau. Cần khuyến khích để doanh nghiệp được tham gia các dự án hiệu quả, có lợi nhuận tốt, thể hiện tính ưu việt của hạ tầng cảng biển”, ông Nguyễn Tương bày tỏ.

Ý kiến của chuyên gia cũng mong muốn chính sách của Nhà nước bảo đảm nhất quán, xuyên suốt, đặc biệt là tuân thủ hợp đồng, phân định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.

Nếu tận dụng được kinh nghiệm, nguồn lực của các thành phần kinh tế, hạ tầng cảng biển nói riêng và lĩnh vực hàng hải nói chung hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần biến những lợi thế, tiềm năng kinh tế biển trở thành động lực phát triển đất nước.

Theo qdnd.vn

16 Dec by hoangngoclonghcm

Sắp khởi công hàng loạt tuyến đường kết nối TP.HCM – Long An

6/23 dự án giao thông trọng điểm sắp được khởi công sẽ góp phần kết nối, tạo sự đồng bộ giữa Long An và TP.HCM.

Sở GTVT tỉnh Long An cho biết từ nay tới đầu năm 2022, tỉnh sẽ khởi công sáu dự án giao thông kết nối với TP.HCM. Đây là 6/23 dự án trọng điểm góp phần tạo sự đồng bộ với TP.HCM và thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Long An và các tỉnh lân cận.

Khởi công hàng loạt dự án

Theo đó, trong tháng 12, Sở GTVT tỉnh Long An sẽ tiến hành khởi công tuyến đường tỉnh (ĐT) 823D có chiều dài 14,2 km, đây là trục mở mới tây bắc kết nối Long An – TP.HCM. Dự án có điểm đầu là ranh TP.HCM – Long An (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa), điểm cuối là nút giao QL.N2 (vòng xoay Hậu Nghĩa) với tổng mức đầu tư hơn 1.490 tỉ đồng. Tuyến đường mới này sẽ góp phần quan trọng trong việc kết nối vùng giữa đường vành đai 3, đường vành đai 4 quy hoạch của TP.HCM và kết nối vào đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đang được Bộ GTVT đầu tư.

Bên cạnh đó, đầu năm 2022, Long An cũng tiến hành khởi công hàng loạt dự án bao gồm tuyến ĐT826E (đoạn từ giao 826C đến cầu Cần Giuộc) dài 1,6 km và tuyến đường kết nối dẫn vào cầu Rạch Dơi đến ĐT826E dài 2 km. Cả hai đoạn trên có tổng mức đầu tư hơn 550 tỉ đồng. Theo Sở GTVT tỉnh, đây là tuyến đường mới hoàn toàn, tuyến đường sẽ kết nối với tuyến Tân Lập – Long Hậu (kết nối từ đường tỉnh cảng Long An với đường vành đai 4, đường vành đai 3 và cảng Hiệp Phước (Nhà Bè).

Các dự án kết nối Long An – TP.HCM sắp khởi công. Đồ họa: HỒ TRANG

Bên cạnh đó, Long An cũng sẽ khởi công một tuyến đường mới hoàn toàn nằm trong khu quy hoạch bắc Bến Lức là đường Lương Hòa – Bình Chánh (giáp ranh Bến Lức – TP.HCM) dài 6,2 km. Dự án có điểm đầu là bờ sông Vàm Cỏ Đông, điểm cuối giáp ranh TP.HCM, có tổng mức đầu tư hơn 2.270 tỉ đồng. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ phục vụ phát triển vận chuyển hàng hóa, các khu thương mại, dịch vụ trong quy hoạch bắc Bến Lức. Đồng thời kết nối với đường Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh). Hiện dự án đang làm thủ tục, các bước đầu tư.

Tiếp đến là dự án ĐT827E có điểm đầu là vòng xoay ngã năm Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) và điểm cuối là Vàm Cỏ Đông, chiều dài gần 16 km. Dự án có tổng mức đầu tư 2.153 tỉ đồng. Dự án này sẽ kết nối đường tây nam TP.HCM từ đường Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh đến Cần Giuộc. Dự án ĐT827E được hoàn thiện góp phần phát triển công nghiệp tỉnh, kết nối Trung Lương (Tiền Giang), chia sẻ áp lực giao thông cho quốc lộ 1 và quốc lộ 50…

Sẵn sàng kết nối

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, đánh giá các tuyến đường hiện hữu, giáp ranh với TP.HCM hiện nay đều có quy mô cấp thấp, mặt cắt ngang hẹp, thiếu đồng bộ giữa hai địa phương. Do vậy, việc nâng cấp, mở rộng và xây mới các tuyến đường này là cấp thiết.

Theo ông Trung, việc triển khai các dự án cần có sự thống nhất giữa các địa phương. Trong đó, cả hai bên cần thống nhất về thời điểm, lộ trình kết nối, vị trí, phạm vi. Đến nay, tỉnh đã thống nhất làm sáu dự án kết nối với TP.HCM. Ngoài ra, từ nay tới năm 2025, Long An và TP.HCM quyết tâm thực hiện 23 dự án kết nối với hai địa phương. “Long An quyết tâm huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn để sớm hoàn thiện các dự án này, nhanh chóng kết nối với TP.HCM. Hiện nay, các đơn vị đang chuẩn bị thủ tục, sẵn sàng giải phóng mặt bằng để thi công vào đầu tháng 12 này” – ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung đánh giá các trục kết nối với TP.HCM khi hoàn thành sẽ kết nối với các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ cho tỉnh Long An nói riêng và khu vực nói chung.

Đồng thời, các trục kết nối giữa hai địa phương khi hoàn thành sẽ giảm áp lực giao thông từ các huyện giáp ranh Long An đến TP.HCM, giải quyết hiệu quả tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông trên các trục giao thông chính hướng tâm vào trung tâm TP.HCM. “Đặc biệt, các dự án giao thông kết nối giữa Long An và TP.HCM đã khẳng định tính đột phá trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội giữa hai địa phương một cách mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 2021-2025” – ông Trung nói.

23 vị trí cần kết nối

Theo Sở GTVT TP.HCM, việc ưu tiên đầu tư các dự án kết nối với Long An là rất cần thiết vì hiện nay các công trình kết nối giữa TP.HCM với Long An chưa nhiều. Do đó, giai đoạn 2021-2025, TP.HCM đã ưu tiên đầu tư năm dự án kết nối liên vùng với tổng số vốn gần 44.000 tỉ đồng. Trong đó có bốn dự án kết nối với Long An và một dự án kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai).

Trước đó, Sở GTVT TP và Long An đã có nhiều buổi làm việc, rà soát và đưa ra 23 vị trí kết nối đặc biệt quan trọng cần được xem xét ưu tiên đầu tư giữa hai địa phương. Trong đó có một số dự án như đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) kết nối với ĐT824 (huyện Đức Hòa), dự án quốc lộ 50 qua Bình Chánh – Cần Giuộc, dự án đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) – ĐT826E (huyện Cần Giuộc), đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) – ĐT826C (huyện Cần Giuộc)… 

Theo PLO

13 Dec by hoangngoclonghcm

CẢNG QUỐC TẾ LONG AN MỞ VĂN PHÒNG GIAO DỊCH TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Cảng Quốc tế Long An đã chính thức mở Văn phòng giao dịch tại Tầng 9, Tòa nhà Kiên Long Bank, 117 – 119 Nguyễn Văn Trỗi, P.12, Q.Phú Nhuận, Tp.Hồ Chí Minh. Văn phòng này sẽ giúp cho đối tác, khách hàng dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc liên hệ và giao dịch với Cảng Quốc tế Long An.

Hiện nay, Cảng Quốc tế Long An đã hoàn thành cầu cảng số 1 có khả năng tiếp nhận tàu quốc tế có tải trọng lên tới 30.000 tấn, không chỉ khai thác các dịch vụ cảng đơn thuần mà còn cung cấp các dịch vụ logistics trọn gói đem lại giải pháp tối ưu nhất về chi phí cho khách hàng khi chọn Cảng Quốc Tế Long An làm đối tác. Cảng Quốc tế Long An có vị trí địa lý thuận lợi khi chỉ cách trung tâm Tp.HCM 38km nên có thể tiếp cận các khu công nghiệp tại đây dễ dàng. Cảng Quốc tế Long An đều chỉ cách các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An và khu vực lân cận dưới 35km, tiêu biểu như: KCN Thuận Đạo (Cách 34.5km), KCN Long Hậu-Hiệp Phước (Cách 23km), KCN Tân Kim (Cách 23.4km), …

Bên cạnh đó lợi thế về quy mô khi có diện tích lên đến 147ha trong tổng thể 1935ha dự án Khu công nghiệp – Cảng Quốc tế Long An – Trung tâm thương mại và khu đô thị huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, Cảng Quốc tế Long An có khả năng trở thành một cảng biển quốc tế kết nối giao thông thủy bộ thuận lợi với các thành phố lớn trong nước và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác !

Mọi thông tin, xin vui lòng liên hệ:

Cảng Quốc Tế Long An

Địa chỉ: Ấp Tân Hòa, Xã Tân Tập, Huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An

VP Kinh doanh: Tầng 9, Tòa nhà 117-119 Nguyễn Văn Trỗi, P12, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM

Tel: 028 3997 2979     Fax: 028 3997 2909

Hotline: 1900 7068

www.longanport.com

Email: marketing@longanport.com

10 Dec by hoangngoclonghcm

Cần chính sách phát triển, kết nối logistics toàn thế giới

Lĩnh vực logistics tại một số nước đang phát triển hiện gặp nhiều khó khăn và cần được phát triển, kết nối với mạng lưới quốc tế.

Ngày 28/11 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư Quốc tế 2021 khai mạc, kéo dài trong hai ngày, do Cơ quan Phát triển Đầu tư Bangladesh (Bida) tổ chức dưới sự tài trợ của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC).

Hợp lý hóa cơ chế phát triển logistics quốc gia là cần thiết để các nước đang phát triển tăng cường đầu tư tư nhân. Ảnh: The Daily Star

Hợp lý hóa cơ chế phát triển logistics quốc gia là cần thiết để các nước đang phát triển tăng cường đầu tư tư nhân. Ảnh: The Daily Star

Tại đây, các diễn giả cho rằng cần có một chính sách phát triển logistics toàn diện để tăng cường hệ thống giao thông trong nước và tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Abul Kasem Khan, chủ tịch Tổ chức Phát triển sáng kiến doanh nghiệp (BUILD) cho biết: “Việc hợp lý hóa cơ chế phát triển logistics quốc gia là điều bắt buộc đối với các nước đang phát triển, nhằm tăng cường đầu tư tư nhân. Nhìn vào dự báo tăng trưởng của Bangladesh, nước này cần có một hệ sinh thái logistics đẳng cấp thế giới để cải thiện khả năng cạnh tranh”.

Ông Khan cũng dự kiến cần rót 300 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng logistics Bangladesh đến năm 2031. Từ đó, lĩnh vực này sẽ tăng trưởng, chiếm 6 – 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức 3,6% hiện nay.

Hiện nay, cả các công ty trong nước và nước ngoài đều yêu cầu hỗ trợ logistics hiệu quả để đảm bảo nâng cao năng suất, thời gian giao hàng ngắn hơn và tạo điều kiện mở rộng thị trường. Thực tế, chi phí kết nối ở Bangladesh cao do logistics kém hiệu quả, điển hình là tắc nghẽn giao thông và cảng biển nghiêm trọng.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Bangladesh Khalid Mahmud Chowdhury cho biết, chính phủ đã thực hiện các sáng kiến cần thiết để phát triển cơ sở cảng và tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

M Shahjahan, Chủ tịch Cảng vụ Chittagong chia sẻ họ đã thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy năng lực xếp dỡ hàng hóa, container tại cảng biển. Bên cạnh đó, các cảng mới đang được thành lập trong cùng với cơ sở vật chất được nâng cấp.

Tại hội nghị, ông Wan Chee Foong, CEO khu vực Trung Đông và Nam Á của PSA International cho biết, Bangladesh cần thiết lập các kết nối logistics toàn cầu khi nền kinh tế của họ đang phát triển nhanh chóng.

“Hỗ trợ về mặt pháp lý là cần thiết để phát triển lĩnh vực logistics trong nước vì nó sẽ giúp tăng khối lượng thương mại quốc tế”, ông nói.

Ông Syed Ershad Ahmed, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Bangladesh cho rằng, lĩnh vực logistics địa phương rất kém và cần có sự quan tâm đặc biệt để xử lý nhu cầu ngày càng tăng đối với các cơ sở xuất nhập khẩu. Ông trích dẫn nhà kho tại Sân bay Quốc tế Hazrat Shahjalal không đủ đáp ứng nhu cầu hiện tại, đề nghị mở rộng để đẩy nhanh việc xuất khẩu.

Ghi nhận những ý kiến trên, Cơ quan đối tác công tư (PPP) phát biểu sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm năng lượng và y tế, dưới hình thức liên doanh với các công ty địa phương.

Theo The Daily Star